Thứ hai, 19/02/2024, 17:13 PM
  • Click để copy

Vì sao người dân thường chọn Phủ Tây Hồ, chùa Hà, Bia Bà để đi lễ đầu năm?

Nếu chùa Hà là nơi cầu duyên, Phủ Tây Hồ là nơi cầu tài cầu danh thì Bia Bà được bà con nhân dân cho là nơi cầu lộc nổi tiếng đất Hà thành. Đây là 3 địa điểm linh thiêng mà nhiều người dân Hà Nội cũng như nhiều người dân tỉnh khác thường ghé thăm mỗi dịp đầu năm mới.

Phủ Tây Hồ - điểm đến linh thiêng nổi tiếng đất kinh kỳ Hà Nội

Phủ Tây Hồ là một trong những điểm đến linh thiêng nổi tiếng tại Hà Nội còn lưu truyền tín ngưỡng thờ Mẫu. Sở hữu vị trí địa lý đắc địa cùng lối kiến trúc nổi bật, Phủ đã trở thành điểm đến tham quan không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn được khách nước ngoài ghé thăm mỗi khi đến du lịch Hà Nội.

Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”. Ảnh: IT

Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”. Ảnh: IT

Phủ Tây Hồ nằm ở số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ được dự đoán xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 nhưng cũng có thể muộn hơn. Trong những cuốn sách đầu tiên về các di tích của Thăng Long cũng không có ghi chép nào về Phủ Tây Hồ.

Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”, một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là: Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh); Phù đổng Thiên Vương (Thánh Gióng); Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Thánh Chử Đạo Tổ (Chử Đồng Tử).

Truyền thuyết kể rằng, Chúa Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, vì làm vỡ ly ngọc quý mà bị đày xuống trần gian. Sau khi ngao du khắp nơi dưới hạ giới, bà bị thu hút bởi vẻ đẹp của Hồ Tây nên quyết định dừng chân tại đây, giúp nhân dân diệt trừ ma quái, tiêu diệt tham quan, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân.

  Phủ Tây Hồ là nơi mọi người đi lễ đông nhất vào các ngày mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng. Ngày 3/3 Âm lịch là ngày giỗ Mẫu Liễu Hạnh. Người dân sẽ tổ chức lễ rước kiệu các Mẫu từ Phủ Tây Hồ qua đường Yên Phụ, Cổ Ngư sau đó ngược lại đường Quán Thánh đến đền Nghĩa Lập tại số 32 phố Hàng Đậu lấy mã rồi quay lại. Ngày 6-7/3, tại Phủ tổ chức các cuộc thi văn nghệ, hát chầu văn ở chùa Phổ Linh thuộc thôn Tây Hồ thu hút rất nhiều người tham dự.

Mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh, lịch sử to lớn, vào ngày 13/2/1996, Phủ Tây Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Trước khi bước vào Phủ, du khách sẽ qua cổng tam quan 2 tầng, có vọng lâu ở trên với những đường nét chạm khắc tỉ mỉ, cẩn thận, mang đậm những nét văn hóa Việt Nam độc đáo. Du khách khi đến Phủ thường dừng chân chụp một bức ảnh trước cổng để lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp khi đến tham quan Phủ và chia sẻ cho bạn bè.

Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”. Ảnh: IT

Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”. Ảnh: IT

Phủ Tây Hồ bao gồm Phủ chính, Điện Sơn Trang và lầu Cô, lầu Cậu.

Phủ chính bao gồm 3 nếp tương ứng với 3 gian lễ. Điều đặc biệt ở lớp thứ 3 (Hậu cung) là nơi thờ tam tòa Thánh Mẫu. Du khách có thể dễ dàng nhìn thấy theo thứ tự từ trái sang phải là mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh trùm khăn xanh. Tiếp theo là mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ trùm khăn đỏ. Cuối cùng là mẫu Thoải mặc áo trắng trùm khăn trắng. Tam Mẫu tượng trưng cho bình yên và sự sống của muôn loài.

Điện Sơn Trang là nơi thờ riêng của Mẫu Thượng Ngàn cùng 12 cô sơn trang theo hầu. Ở đây còn có tượng Ngũ hổ thể hiện sức mạnh, khí phách và quyền năng trừ tà. Tôn sùng và cung kính Ngũ hổ từ lâu đã là một nét tín ngưỡng có mối quan hệ sâu sắc với văn hóa thờ Mẫu của người dân Việt Nam.

Lầu Cô, lầu Cậu được đặt trong sân theo hai hướng tả hữu, là nơi thờ những người hầu cận của Quan trong Phủ.

Chùa Hà - tương truyền linh ứng trong việc cầu duyên

Chùa Hà (Thánh Đức tự) là ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, tọa lạc ở số 86 phố Chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy).

Quang cảnh chùa Hà. Ảnh: IT

Quang cảnh chùa Hà. Ảnh: IT

Trải qua nhiều thăng trầm, chùa Hà được xây sửa rất nhiều lần. Đời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705) có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) đến ở nhờ chùa để bán các đồ gốm sứ tại Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn, cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà. Diện mạo của chùa hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn đó và sau này.

Chùa gồm nhiều hạng mục kiến trúc, nằm trong một không gian rộng, nhiều cây xanh. Ngoài cùng là tam quan xây gạch cao hai tầng. Tầng trên xây kiểu chồng diêm. Tầng dưới chia làm ba gian, với ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn. Gian giữa trên lầu tam quan có treo quả chuông đồng đúc từ thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799).

Phía sau tam quan là vườn cây, hồ nước bán nguyệt, sân chùa và chùa chính. Chùa chính có mặt bằng kiểu chữ “đinh” với tiền đường và thượng điện. Tòa tiền đường có bảy gian với hệ mái chồng diêm hai tầng mái. Tòa Phật điện được bố trí theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế, đại diện cho đức Phật ở thì hiện tại, quá khứ và tương lai. Lớp thứ hai gồm tượng A Di Đà có kích thước lớn, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Phía dưới là tượng A Nan Đà và Đức Ông. Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu: “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”.

Chùa Hà là địa chỉ cầu duyên được nhiều bạn trẻ ưa thích. Ảnh: Lê Phú/Tin Tức

Chùa Hà là địa chỉ cầu duyên được nhiều bạn trẻ ưa thích. Ảnh: Lê Phú/Tin Tức

Phía sau chùa là điện Mẫu gồm phương đình và thần điện. Thần điện có 5 gian, trong đặt tượng các mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn và mẫu Thủy. Các công trình này đều được làm bằng gỗ, lợp mái ngói theo lối kiến trúc truyền thống. Các cấu kiện gỗ được chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, trong chùa còn có nhà tổ, nhà sinh hoạt của tăng ni, các công trình phụ trợ khác.

Vào những ngày rằm, mồng một, rất đông Phật tử và người dân tới đây lễ bái. Tương truyền, ngôi chùa này rất linh ứng trong việc cầu duyên, vì thế thu hút nhiều nam thanh nữ tú. Đây cũng là một điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách biết tới. Chùa Hà đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996.

Bia Bà – nơi cầu tài lộc

Bia Bà nằm ở làng La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội thờ Bà Đệ Nhị Cung Phi triều Mạc Thái Tông. Bà tên thật là Trần Thị Hiền - Hoàng phi của Vua Mạc Đăng Doanh. Bà được phong là Đông cung Hoàng hậu sau khi mất.

Bia Bà nằm trong quần thể tâm linh La Khê gồm Chùa - Đình - Bia và được đặt cùng khuôn viên Đình La Khê nơi thờ hai vị thành hoàng là Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa Công chúa (gọi là nhị vị Đại vương) đã giúp dân trừ ác, có nước để cày cấy, chăn nuôi, giúp vùng đất này trở nên trù phú; nơi đây cũng thờ các vị Thánh sư đã có công dạy dân trong vùng làm nghề lụa vì trước đây vùng này nổi tiếng với nghề dệt lụa. Còn Bia Bà thờ ngài Trần Thị Hiền, Hoàng phi của Vua Mạc Thái Tông - Mạc Đăng Doanh (sau khi bà mất được phong làm Đông cung Hoàng hậu). Bà đã có công với triều đình nhà Mạc và nhân dân địa phương. Toàn bộ khu Đình và Bia Bà đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998.

Người dân hành hương đi lễ Đền Bia Bà La Khê, Hà Đông, Hà Nội đầu Xuân. Ảnh: LĐTĐ

Người dân hành hương đi lễ Đền Bia Bà La Khê, Hà Đông, Hà Nội đầu Xuân. Ảnh: LĐTĐ

Bà Trần Thị Hiền là con gái ông Trần Chân, trước đây gia đình bà ở làng La Ninh, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây. Sau tránh tên húy của vua Lê Duy Ninh nên đổi là thôn La Khê nay là phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Bà được coi là người phụ nữ sinh ra, lớn lên trong một gia đình thế phiệt trâm anh, có nhiều đời làm quan trong triều. Cha bà, ông Trần Chân là Đô lực sĩ Thiết Sơn (ở đời Lê sơ), sau được phong là Dũng Quận công. Khi bà mất được chôn cất tại cánh đồng Đa Bang (hay nhân dân còn gọi là cánh đồng Hoàng hậu) tại quê nhà tại làng La Khê ngày nay. Nhà thờ Quận công Trần Chân, cha bà, được dòng họ Trần ở La Khê hằng năm hương khói cũng đặt gần quần thể tâm linh Chùa - Đình - Bia La Khê.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn nói về việc Vua Mạc Thái Tông - Mạc Đăng Doanh đã nên duyên với bà Trần Thị Hiền như sau: “Trước đây, Trần Chân đã đuổi được Nguyễn Hoàng Dụ, quyền nắm trong tay, Mạc Đăng Dung cũng phải sợ, mới hỏi con gái của Chân cho con trai mình là Đăng Doanh”. Như vậy, đủ thấy cha bà Trần Thị Hiền, ông Đô lực sĩ Thiết Sơn bá Trần Chân (đời Lê sợ) khi đó có danh tiếng và thế lực thế nào.

Sau đó, từ năm 16 tuổi bà đã theo sự sắp đặt của gia đình, vào làm vợ Vua Mạc Đăng Doanh. Tuy mối duyên tình của bà là kết quả của sự sắp đặt nhưng bà đã được nên duyên với một vị vua giỏi, được sử sách ca ngợi là vị Vua đã có công làm cho: “Nhà no người đủ, trong nước gọi là trị bình” (Phan Huy Chú - “Lịch chiều hiến chương loại chí”) hay “Mấy năm trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng” (theo “Đại Việt thông sử”), “Người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” (theo “Đại Việt sử ký toàn thư”).

Dù bà chỉ ở cạnh Vua Mạc Thái Tông 12 năm, tới năm 28 tuổi, do bị hậu sản khi sinh vị Hoàng tử đầu lòng và là vị Hoàng tử thứ 5 trong triều, bà về quê an dưỡng sau đó mất tại quê nhà nhưng bà đã có đóng góp không nhỏ trong việc sắp xếp hậu cung, được Vua Mạc Đăng Doanh ca ngợi trong văn bia đặt tại Bia Bà: “Ôi! Đức tính điềm tĩnh thận trọng thư thái nhàn nhã của bà phi đã giúp bà cần kiệm thu xếp ổn thỏa mọi việc trong nhà cho dù những người được tán thán trong Kinh Thi, Kinh Dịch cũng không hơn thế được. Đáng lẽ Bà phải được hưởng phúc khánh nhiều vô cùng, song không hiểu sao sớm đã quy tiên, thật đáng thương thay. Bà phi có nhiều đức hạnh cao đẹp như vậy, sao chẳng đem khắc vào bia đá để lưu truyền bất hủ ư?”.

Các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại cho rằng: vì bà Trần Thị Hiền có công trong việc thu vén tài chính, khéo lo liệu sắp đặt hậu cung, lại giúp đỡ mở mang nghề dệt ở quê nhà, thương giúp người nghèo khó, đóng góp không nhỏ trong việc “tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” của Vua Mạc Đăng Doanh; sau bà lại nhiều lần hiển linh - hiển thánh thể hiện oai nghiêm nên bà được nhân dân kính tin, thờ phụng.

.

Hà Nội: Kéo dài thời gian hoạt động phố đi bộ quận Hoàn Kiếm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội: Kéo dài thời gian hoạt động phố đi bộ quận Hoàn Kiếm dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

24/04/2024 14:13

Theo thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm, thời gian hoạt động trong các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận sẽ được kéo dài trong dịp nghỉ lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Tử vi ngày 18/4/2024: Tuổi Mão tính toán nhanh nhẹn, tuổi Hợi xác định mục tiêu

Tử vi ngày 18/4/2024: Tuổi Mão tính toán nhanh nhẹn, tuổi Hợi xác định mục tiêu

18/04/2024 06:04

Theo tử vi ngày mới của 12 con giáp, thứ Năm ngày 18/4/2024 hôm nay, tuổi Mão có nhiều sáng kiến mới, tính toán nhanh nhẹn, nhiều ý tưởng sáng tạo hữu dụng cho tương lai. Bản mệnh có sự chuẩn bị về những phương hướng mới, tập trung xây dựng kế hoạch làm ăn để phù hợp với hoàn cảnh mới, tình thế mới.

Nỗi buồn sách điện tử

Nỗi buồn sách điện tử

18/03/2024 16:27

Sau khoảng 10 năm hình thành, thị trường sách điện tử (ebook) tại Việt Nam không những không thể phát triển mà còn có dấu hiệu giảm sút vì nhiều lý do.

Máy bay không người lái trình diễn ánh sáng ở Hồ Tây

Máy bay không người lái trình diễn ánh sáng ở Hồ Tây

06/03/2024 14:23

Tối 9/3, hàng trăm máy bay không người lái (drone) sẽ trình diễn các biểu tượng hoa, hương sắc Tây Hồ.

Tử vi ngày 6/3/2024: Tuổi Tỵ gặp được quý nhân, tuổi Hợi lời lãi bất ngờ

Tử vi ngày 6/3/2024: Tuổi Tỵ gặp được quý nhân, tuổi Hợi lời lãi bất ngờ

06/03/2024 06:30

Theo tử vi ngày mới của 12 con giáp, thứ Tư ngày 6/3/2024 hôm nay, tuổi Tỵ có cơ hội gặp được quý nhân. Đối phương có thể giới thiệu cho bản mệnh những cơ hội quý giá hoặc vạch ra phương hướng để giải quyết khó khăn. Hãy khiêm tốn học hỏi điều hay từ người đó.

Hà Nội: 400 lễ hội được tổ chức an toàn, văn minh

Hà Nội: 400 lễ hội được tổ chức an toàn, văn minh

04/03/2024 16:25

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 lễ hội. Đến nay đã có trên 400 lễ hội được diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước.

Hà Nội sẽ tổ chức thêm 4 điểm du lịch đêm

Hà Nội sẽ tổ chức thêm 4 điểm du lịch đêm

03/03/2024 14:29

Việc tổ chức thêm 4 điểm du lịch đêm nhằm thực hiện Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” do Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch ban hành, đồng thời hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt, thu hút du khách đến Thủ đô.

Vì sao người dân thường chọn Phủ Tây Hồ, chùa Hà, Bia Bà để đi lễ đầu năm?

Vì sao người dân thường chọn Phủ Tây Hồ, chùa Hà, Bia Bà để đi lễ đầu năm?

19/02/2024 17:13

Nếu chùa Hà là nơi cầu duyên, Phủ Tây Hồ là nơi cầu tài cầu danh thì Bia Bà được bà con nhân dân cho là nơi cầu lộc nổi tiếng đất Hà thành. Đây là 3 địa điểm linh thiêng mà nhiều người dân Hà Nội cũng như nhiều người dân tỉnh khác thường ghé thăm mỗi dịp đầu năm mới.

Bốn lễ hội truyền thống lớn ở Hà Nội vào mùng 6 Tết

Bốn lễ hội truyền thống lớn ở Hà Nội vào mùng 6 Tết

18/02/2024 11:04

Hôm nay, 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), hàng loạt lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội khai hội, đó là: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh) và lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh).

Xem thêm